TPO - Giá gạo Việt Nam tăng chóng mặt tiềm ẩn những rủi ro, giảm sức cạnh tranh, khách hàng chuyển hướng sang mua gạo nước khác… Đó là những cảnh báo của doanh nghiệp tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam” diễn ra sáng 3/11 ở Cần Thơ.
Thông tin từ hội thảo cho biết, Bộ Công Thương dự kiến xuất khẩu gạo tháng 10 đạt 700.000 tấn, kim ngạch đạt 433 triệu USD, tương đương về lượng và tăng 27% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Ước 10 tháng Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Tình hình giá gạo Việt Nam tăng nóng như hiện nay dẫn đến một số trường hợp DN lỗ nhiều quá đã hủy hợp đồng, nhất là đối với những DN năng lực kinh tế yếu. Đối với những trường hợp là DN lớn đang giao hàng gần xong, để giữ chữ tín với đối tác họ bắt buộc mua giá cao để gom cho đủ hàng hoàn thành hợp đồng. Đây là nguyên nhân chính đẩy giá gạo tăng cao.
Theo ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch VFA, giá gạo tăng nóng còn do các nhà cung ứng tác động, mỗi khi giá gạo nhích lên một chút, họ góp phần đẩy giá lên thêm và kết quả là giá gạo Việt Nam đang cao ở mức kỷ lục. Cần nói thêm, DN Việt Nam đã quen ký các hợp đồng giao xa nên bây giờ đa phần lo mua gạo để giao cho đối tác.
Dự báo thị trường xuất khẩu trong năm 2024, ông Phạm Quang Diệu – Công ty AgroMonotor, đơn vị nghiên cứu thị trường – cho biết xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay có khả năng đạt 8 triệu tấn. Như vậy sang năm 2024 tồn kho sẽ rất mỏng, các DN phải hết sức thận trọng nếu không sẽ rất rủi ro, ký hợp đồng nhiều nhưng không lường được nguồn cung hạn hẹp, lúc đó giá bật lên lại gặp khó khăn.
Mặt khác, Ấn Độ có thể quay lại thị trường, mặt bằng giá gạo sẽ bị hạ xuống. Để có thể kinh doanh xuất khẩu trong năm 2024 được tốt hơn, DN phải hết sức thận trọng trong quyết định ký hợp đồng giao xa, vì nguồn cung hạn hẹp, cộng với vốn tín dụng khó khăn.